04 lưu ý sau khi được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam

5/5 - (1 bình chọn)

Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, chủ sở hữu phải đặc biệt lưu ý về quyền và nghĩa vụ đối với tài sản trí tuệ của mình. Sau đây là 04 lưu ý mà chủ sở hữu nhãn hiệu cần phải tuân thủ/thực hiện để bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu của mình: 

1. Thực hiện nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu sau khi được cấp văn bằng bảo hộ

Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, chủ sở hữu có nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu liên tục trong vòng 05 năm. Mặc dù ở Việt Nam không yêu cầu chủ sở hữu phải nộp Tuyên bố sử dụng như một số quốc gia khác nhưng nếu chủ sở hữu không thực hiện đúng nghĩa vụ sử dụng thì nhãn hiệu có thể bị chấm dứt hiệu lực theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của bên thứ ba. 

Nghĩa vụ sử dụng được hiểu theo nghĩa rộng, nếu việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu và được thể hiện bởi việc thực hiện các hành vi sau đây: 

– Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; 

– Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ; 

– Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ. 

– Sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu. 

2. Gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu 

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm. 

Thời gian gia hạn hiệu lực: trong vòng 06 tháng trước ngày văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hết hạn hiệu lực, chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có thể trực tiếp hoặc thông qua Đại diện sở hữu công nghiệp nộp đơn yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và nộp phí, lệ phí theo quy định pháp luật. 

Đơn yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ có thể nộp muộn hơn theo quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hết hiệu lực, và chủ sở hữu văn bằng phải nộp phí gia hạn muộn. 

Do đó, chủ sở hữu văn bằng nên lưu ý về thời gian gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu của mình, tránh trường hợp để quá thời gian gia hạn muộn, khi đó chủ sở hữu sẽ bị coi như là từ bỏ các quyền đối với nhãn hiệu của mình. 

3. Thực hiện thay đổi các thông tin văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (nếu có) 

Khi chủ sở hữu nhãn hiệu trên văn bằng bảo hộ có bất kỳ sự thay đổi nào về tên, địa chỉ,… thì cần phải thực hiện thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ. Đây cũng là một trong các nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Việc sửa đổi các thông tin trên văn bằng bảo hộ giúp chủ sở hữu cập nhật kịp thời, đồng bộ và thống nhất các thông tin được thay đổi; đặc biệt bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu trong trường hợp nhãn hiệu xảy ra tranh chấp. Lúc này, văn bằng bảo hộ là cơ sở pháp lý và là căn cứ để giải quyết tranh chấp thì phải đúng với các thông tin của chủ sở hữu. Do đó, chủ sở hữu phải kịp thời cập nhật các thông thông thay đổi bằng cách trực tiếp hoặc thông qua Đại diện sở hữu công nghiệp nộp hồ sơ yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ và nộp phí, lệ phí thẩm định theo yêu cầu. 

4. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ với văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

Khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, đồng nghĩa với việc Chủ sở hữu nhãn hiệu đã được công nhận các quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đó một cách hợp pháp. Chính vì vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu phải biết cách thực thi các quyền sở hữu trí tuệ của mình. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ thực chất là chủ sở hữu nhãn hiệu thực hiện những công việc cụ thể để hiện thực hóa quyền đã được trao đối với nhãn hiệu thuộc sở hữu của mình.  

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ sau khi được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bao gồm việc chủ sở hữu có quyền thực hiện các biện pháp để chống lại các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình và để giải quyết các tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu của mình đã được cấp văn bằng bảo hộ. 

Xem thêm về những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: https://anlis.vn/nhung-hanh-vi-xam-pham-so-huu-tri-tue-pho-bien-tren-san-thuong-mai-dien-tu/

Trên đây là 04 lưu ý quan trọng để chủ sở hữu nhãn hiệu thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Qúy khách có nhu cầu tư vấn về sở hữu trí tuệ hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn nhanh chóng nhất, hotline: 0899.88.6060 hoặc email: info@anlis.vn

Hoặc tham khảo thêm bài viết về thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại đây.

0899.88.6060